Du học Mỹ : Làm sao để đưa ra lựa chọn đúng đắn?

Cách du học Mỹ hiệu quả ? Chia sẻ bởi MK IMM
19/08/2024
Cách du học Mỹ hiệu quả ? Chia sẻ bởi MK IMM

Cách du học Mỹ hiệu quả ? Chia sẻ bởi MK IMM

Du học Mỹ là một trong những lựa chọn phổ biến nhất đối với người trẻ Việt Nam muốn trải nghiệm một môi trường giáo dục số 1 thế giới. Với hệ thống giáo dục chất lượng cao, đa dạng chương trình học và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, việc chọn Hoa Kỳ làm điểm đến cho hành trình học tập của bạn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn cần nắm vững kiến thức về hệ thống giáo dục Mỹ, quy trình xin visa, cũng như các yêu cầu pháp lý cần thiết để duy trì có thể học tập, nghiên cứu hợp pháp tại Mỹ. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tất cả những điều này, giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho chuyến du học Mỹ của mình.

Tổng quan về hệ thống giáo dục Mỹ

Hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ rất đa dạng, bao gồm nhiều loại hình giáo dục khác nhau từ trường cao đẳng cộng đồng  đến các quần thể trường đại học khác nhau. Du học sinh Việt Nam cần nắm rõ và phân biệt các mô hình giáo dục này để đưa ra lựa chọn phù hợp

Giáo dục đại học tại Mỹ

Tại bậc đại học, sinh viên có thể theo đuổi bằng cấp Associate (Có thể tạm xem tương đương bằng cao đẳng ở Việt Nam)Bachelor (Bằng cử nhân). Thời gian học bằng Associate thường kéo dài hai năm & được cấp bởi các trường cao đẳng cộng đồng, cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, bằng Bachelor là chương trình bốn năm, cho phép sinh viên nghiên cứu chuyên sâu hơn vào các ngành học như nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Khi chuyển sang bậc sau đại học, bằng Thạc sĩ (Master’s Degree) yêu cầu thêm khoảng hai năm học sau khi đã hoàn thành bằng Bachelor. Các chương trình này cho phép sinh viên nghiên cứu sâu hơn nữa về lĩnh vực mà họ chọn, thường kết hợp giữa học tập và thực tiễn. Bằng Tiến sĩ (Ph.D.) là mức độ học vấn cao nhất và có thể mất nhiều năm để hoàn thành, nhấn mạnh vào nghiên cứu độc lập và đóng góp học thuật cho lĩnh vực nghiên cứu

Về cấu trúc, hệ thống giáo dục Mỹ hoạt động dựa trên hệ thống tín chỉ. Mỗi khóa học được gán một số tín chỉ cụ thể dựa trên khối lượng bài giảng và kết quả học tập. Thông thường, một bằng cử nhân (Bachelor) yêu cầu khoảng 120-130 tín chỉ, trong khi các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ sẽ tùy thuộc vào ngành học và trường học

Sự khác biệt giữa các trường đại học (University) và cao đẳng (College)

Tại Mỹ, sự phân biệt giữa các trường đại học (University), cao đẳng (College)cao đẳng cộng đồng (Community College) chủ yếu nằm ở số lượng tín chỉ, chương trình học và trọng tâm đào tạo. Các trường đại học là những quần thể giáo dục lớn cung cấp nhiều chương trình đại học và sau đại học. Chúng thường bao gồm nhiều khoa hoặc trường khác nhau, chẳng hạn như Khoa Nghệ thuật và Khoa học, Trường Kỹ thuật hoặc Trường Kinh doanh. Cấu trúc này cho phép các trường đại học cung cấp nhiều ngành học khác nhau và cơ hội nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.

College mặc dù được dịch ra là trường cao đẳng nhưng vẫn là trường đại học cung cấp chương trình học 4 năm. Đây là những tổ chức giáo dục nhỏ hơn, ưu tiên đào tạo một số lượng ngành nghề hạn chế hơn so với định nghĩa University. Mặc dù một số trường College vẫn có thể cung cấp chương trình đào tạo sau đại học, nhưng trọng tâm chính vẫn là giảng dạy và hướng dẫn sinh viên đại học. Những tổ chức này thường tạo ra môi trường học tập gần gũi & hỗ trợ cá nhân từ giảng viên, và tập trung giảng dạy một số chuyên ngành cụ thể. Các trường College vẫn hỗ trợ đào tạo chương trình 4 năm và giúp sinh viên lấy bằng Bachelor sau khi tốt nghiệp.

Cao đẳng cộng đồng đóng vai trò riêng biệt trong hệ thống giáo dục đại học Mỹ bằng cách cung cấp các chương trình hai năm để lấy bằng Associate. Những trường cao đẳng cộng đồng rất quan trọng, chủ yếu đào tạo thiên về thực hành hoặc chuyển tiếp lên hệ thống giáo dục đại học (4 năm). Cao đẳng cộng đồng thường có hỗ trợ sự chuyển tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên muốn theo học tiếp tại các trường đại học lớn hơn sau khi lấy bằng Associate.

Cách du học Mỹ dành cho học sinh – sinh viên Việt Nam?

Du học Mỹ là một kế hoạch lớn và bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để mang lại kết quả tốt nhất. Một quy trình chung để chuẩn bị như sau :

  1. Nghiên cứu các trường học phù hợp với điều kiện học vấn cũng như điều kiện tài chính
  2. Chuẩn bị về mặt tài chính
  3. Nộp hồ sơ đăng ký học tại trường đó
  4. Nộp hồ sơ xin visa du học Mỹ
  5. Chuẩn bị hành lý, mua vé máy bay sau khi đã có visa

Chúng ta hãy cùng đi sâu vào từng giai đoạn

01. Nghiên cứu trường học – chương trình học phù hợp

Bước đầu tiên để du học Hoa Kỳ là lựa chọn chương trình và trường học phù hợp với mục tiêu học tập và điều kiện tài chính của bạn

Hãy bắt đầu bằng cách xác định sở thích và ngành học bạn muốn. Mỗi trường đại học/cao đẳng tại Mỹ sẽ có thế mạnh đào tạo về những lĩnh vực khác nhau, đảm bảo chúng phù hợp với nguyện vọng học tập & phát triển tương lai lâu dài của bạn

Xem xét danh tiếng của trường học cũng là một ý tưởng hay, vì điều này phản ánh tiêu chuẩn học thuật và sự công nhận trong lĩnh vực bạn thích. Nghiên cứu cấu trúc chương trình, số lượng tín chỉ, số lượng bài giảng và chương trình giảng dạy. Hỏi thêm về các cơ hội như thực tập,  nghiên cứu và đào tạo thực tế sẽ nâng cao kỹ năng của bạn và mang lại cơ hội lớn làm việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp

Vị trí địa lý của trường học/cơ sở giáo dục cũng rất quan trọng. Hãy xem xét các yếu tố về khí hậu, môi trường văn hóa và cộng đồng du học sinh các nước. Ngoài ra, hãy tìm hiểu về dịch vụ hỗ trợ dành cho sinh viên quốc tế. Một cộng đồng giáo dục sẵn sàng chào đón và giúp du học sinh hòa nhập tốt, cùng với các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn học thuật, đào tạo ngôn ngữ và chương trình tích hợp văn hóa, có thể giúp ích rất nhiều để bạn có một khoảng thời gian học tập vui vẻ và thành công tại Mỹ

02. Thanh toán học phí & các chi phí khác

Sinh viên Việt Nam muốn du học Mỹ thường được yêu cầu chứng minh khả năng tài chính để trang trải học phí, chi phí sinh hoạt và các khoản chi phí khác trong thời gian ở Mỹ. Chính phủ Mỹ thường không cung cấp tài trợ trực tiếp cho sinh viên quốc tế. Bạn nên chuẩn bị kỹ về mặt tài chính bằng cách nghiên cứu và ước tính học phí, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các chi phí sinh hoạt khác cho trường và địa điểm bạn chọn.

Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị các tài liệu như sao kê ngân hàng, giải thưởng, học bổng ở Việt Nam hoặc thư bảo lãnh, vì bạn sẽ cần chứng minh bản thân đủ tài chính cho ít nhất năm đầu tiên học tập tại Mỹ. Điều này không chỉ giúp bạn có kế hoạch tài chính rõ ràng mà còn là yêu cầu thiết yếu để xin visa du học.

03. Nộp hồ sơ đăng ký nhập học vào trường tại Mỹ

Sau khi đã xác định được trường học & ngành học phù hợp và chuẩn bị đầy đủ về tài chính, bạn nên tiến hành quy trình nộp hồ sơ đăng ký nhập học. Bạn nên chuẩn bị các tài liệu như bảng điểm học tập, thư giới thiệu, điểm số tiếng Anh…& các tài liệu khác theo yêu cầu. Đảm bảo tuân thủ hướng dẫn nộp đơn cụ thể tùy vào từng trường học như quy trình nộp đơn online & cách thanh toán lệ phí, thời hạn nộp hồ sơ v.v…

04. Xin visa du học Mỹ

Sau khi nhận được thư chấp thuận nhập học tại trường ở Mỹ, bạn có thể tiến hành xin visa du học. Hai loại visa phổ biến nhất để học tập tại Mỹ là visa F1 cho các chương trình học thuật tại các cơ sở giáo dục được công nhận và visa J1 cho các chương trình trao đổi văn hóa được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt. Để xin visa, bạn sẽ cần mẫu I-20 (đối với visa F-1) hoặc DS-2019 (đối với visa J-1) từ trường đại học hoặc nhà tài trợ chương trình, xác nhận việc bạn đã được chấp nhận và nêu rõ thông tin chi tiết về chương trình học của bạn.

Tiếp theo, bạn phải thanh toán lệ phí SEVIS (Hệ thống Thông tin Sinh viên và Khách trao đổi) và giữ biên lai cho hồ sơ xin visa. Lên lịch phỏng vấn tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Mỹ (Ở TP.Hồ Chí Minh & Hà Nội), tốt nhất là lên lịch trước ngày nhập học từ 2-3 tháng. Hãy chuẩn bị kỹ cho cuộc phỏng vấn bằng thu thập đầy đủ tất cả tài liệu cần thiết, bao gồm chứng minh tài chính, bảng điểm học tập và hộ chiếu hợp lệ. Trong cuộc phỏng vấn, bạn nên thể hiện ý định học tập tại Mỹ, mối liên hệ của bạn với Việt Nam và khả năng tài chính đủ để trang trải chi phí trong thời gian ở Mỹ. Nếu được chấp thuận, visa của bạn sẽ được dán vào hộ chiếu, cho phép bạn sang Mỹ và bắt đầu hành trình học tập của mình

Chuẩn bị sang Mỹ

Sau khi đơn xin nhập học và visa của bạn được phê duyệt, hãy mua vé máy bay và tìm chỗ ở tạm thời nếu cần thiết. Ngoài ra, bạn có thể tham gia các buổi định hướng (online) trước khi sang Mỹ do trường học của bạn tổ chức,các buổi định hướng này sẽ cung cấp thông tin quý giá về môi trường học tập cũng như chia sẻ những lời khuyên bổ ích

Chuẩn bị tất cả giấy tờ cần thiết cho chuyến đi, như hộ chiếu có con dấu visa du học Mỹ, mẫu I-20 hoặc DS-2019, và chứng minh tài chính. Tìm hiểu thủ tục hải quan và nhập cảnh của Mỹ để loại trừ những rủi ro không cần thiết. Đảm bảo bạn có đủ tiền để trang trải chi phí ban đầu khi đến nơi, chẳng hạn như đặt cọc nhà ở, mua sách giáo khoa và chi phí sinh hoạt cho vài tuần đầu tiên. Cuối cùng, hãy tìm văn phòng sinh viên quốc tế của trường đại học để được tư vấn thông tin. Bạn nên sang Mỹ sớm để ổn định trong môi trường mới, gặp gỡ các sinh viên khác và bắt đầu làm quen với cuộc sống tại Mỹ, tạo nền tảng thuận lợi cho hành trình học tập phía trước.

Xin visa du học Mỹ : Những thông tin bổ ích

Có thể xin được visa du học hay không có lẽ là bước quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại cho kế hoạch học tập của bạn tại Mỹ,

Visa sẽ xác định tình trạng pháp lý của bạn, những gì bạn được & không được phép làm khi ở Hoa Kỳ, thậm chí là khả năng xin việc sau khi tốt nghiệp. Việc chọn loại visa phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như mục đích học tập, thời gian của chương trình học, các nguồn tài trợ tiềm năng và bất kỳ liên kết cụ thể nào của chương trình với các tổ chức tài trợ.

Lấy visa du học Mỹ dành cho sinh viên Việt Nam

Lấy visa du học Mỹ dành cho sinh viên Việt Nam

Visa F-1: Visa du học Mỹ thuần túy

Visa F-1 là loại visa phổ biến nhất cho du học sinh Việt Nam theo học tại các trường đại học/cao đẳng hợp lệ tại Mỹ. Để đủ điều kiện xin visa F-1, bạn cần phải có thư mời nhập vào trường đại học/cao đẳng tại Mỹ và có khả năng tài chính để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt trong 2-4 năm ở quốc gia này. Visa này cho phép bạn học tập tại Mỹ trong thời gian chương trình học diễn ra & có thể gia hạn nếu cần

Visa J-1: Chương trình trao đổi

Visa J-1 được cấp cho những người tham gia các chương trình trao đổi văn hóa – học thuật, bao gồm sinh viên, giáo viên, và các chuyên gia. Visa này cho phép bạn tham gia vào các chương trình học tập và nghiên cứu tại Mỹ, thậm chí là có thể thực tập và làm việc theo điều kiện chương trình hay tổ chức bảo trợ. Visa J-1 thường có thời hạn 1 năm, ngắn hơn so với visa F-1 và có thể kèm theo yêu cầu phải trở về Việt Nam sau khi hết hạn visa

Visa M-1: Học nghề tại Mỹ

Visa M-1 dành cho những sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề hoặc kỹ thuật tại Mỹ. Hiểu đơn giản có thể xem Visa M1 là để “học nghề” ở Mỹ

Loại visa này cho phép bạn học tập tại các trung tâm đào tạo nghề nghiệp ví dụ như đào tạo nấu ăn, các ngành cơ khí, kỹ thuật, thẩm mỹ… và có thể bao gồm các chương trình thực tập. Visa M-1 cũng có thời hạn ngắn hơn so với visa F-1 (Thường là 1 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 2 lần) và Visa M1 yêu cầu bạn hoàn thành chương trình học trong một khoảng thời gian nhất định.

Quy trình xin visa du học Mỹ cơ bản

Quy trình xin visa du học Mỹ bao gồm một số bước quan trọng như sau :

Quá trình nộp đơn xin thị thực du học tại Hoa Kỳ bao gồm một số bước sau:

Bước 1: Đăng ký SEVIS (Hệ thống thông tin dành cho sinh viên và khách trao đổi)

Khi bạn được một cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ chấp nhận, bạn sẽ được đăng ký vào SEVIS, một hệ thống theo dõi sinh viên và khách trao đổi.

Trường của bạn sẽ cấp Mẫu I-20 (cho thị thực F và M) hoặc Mẫu DS-2019 (cho thị thực J), bạn sẽ cần phải trả phí SEVIS I-901. Phí này tách biệt với phí nộp đơn xin visa và phải được thanh toán trực tuyến trước khi lên lịch phỏng vấn xin thị thực với lãnh sự quán/đại sứ quán Mỹ

Giữ lại biên lai thanh toán phí SEVIS vì bạn sẽ cần nó khi nộp đơn xin visa nhé

Bước 2: Hoàn thành mẫu đơn DS-160

DS-160 là mẫu đơn xin thị thực không định cư cần được điền và nộp online trên hệ thống. Đảm bảo tất cả thông tin đều chính xác và khớp với các giấy tờ của bạn. Bất kỳ sự khác biệt nào cũng có thể dẫn đến sự chậm trễ hoặc thậm chí là từ chối hồ sơ

Sau khi nộp mẫu đơn, hãy in trang xác nhận DS-160 có mã vạch mà bạn sẽ cần cho buổi phỏng vấn xin thị thực nhé

Bước 3: Thanh toán Phí xin thị thực

Thanh toán lệ phí nộp đơn xin thị thực, và lưu ý là lệ phí này không hoàn lại trong bất kỳ trường hợp nào, lệ phí này thay đổi tùy theo quốc gia. Tại Việt Nam phí này dao động khoảng 185-200 USD (khoảng 5 triệu đồng). Lệ phí này sẽ được thanh toán trực tuyến. Giữ lại biên lai thanh toán vì bạn sẽ cần biên lai này trong buổi phỏng vấn xin visa.

Bước 4: Lên lịch và chuẩn bị cho buổi phỏng vấn với lãnh sự quán/đại sứ quán

Lên lịch phỏng vấn xin visa tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Nên nộp đơn càng sớm càng tốt vì thời gian chờ phỏng vấn có thể khác nhau.

Chuẩn bị tất cả các giấy tờ cần thiết cho buổi phỏng vấn, bao gồm hộ chiếu, Mẫu I-20 hoặc DS-2019, trang xác nhận DS-160, biên lai lệ phí nộp đơn xin thị thực, biên lai lệ phí SEVIS, giấy tờ chứng minh tài chính và bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào khác

Luyện tập trả lời những câu phỏng vấn thường gặp, chẳng hạn như kế hoạch học tập, lý do chọn Hoa Kỳ và mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn v.v…

Duy trì tình trạng pháp lý tại Mỹ với visa du học?

Sau khi đã có được visa du học và bắt đầu học tập tại Mỹ, bạn sẽ cần tuân thủ các yêu cầu pháp lý của visa để có thể học tập – làm việc hợp pháp ở Hoa Kỳ. Không tuân thủ các quy định về visa sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc trục xuất và bị cấm nhập cảnh trở lại Mỹ

Yêu cầu ghi danh khóa học toàn thời gian:

Để duy trì tình trạng hợp pháp của visa sinh viên, bạn cần đảm bảo rằng bạn luôn ghi danh học toàn thời gian tại trường của mình. Điều này có nghĩa là bạn phải đăng ký đủ số tín chỉ cần thiết theo quy định của trường. Nếu bạn không đáp ứng yêu cầu này, bạn có thể bị hủy visa và phải rời khỏi Mỹ.

Một số trường hợp ngoại lệ đối với yêu cầu ghi danh toàn thời gian chẳng hạn như tình trạng sức khỏe hoặc hoàn cảnh cá nhân bất khả kháng. Tuy nhiên, bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào cũng phải được Cố vấn quản lý du học sinh (Designated School Official – DSO) tại trường chấp thuận và lập hồ sơ để đảm bảo tuân thủ các quy định về thị thực và ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đến tình trạng nhập cư.

Vừa học vừa làm với visa du học Mỹ?

Sinh viên quốc tế có thể làm việc tại Mỹ với một số điều kiện nhất định. Với visa F-1, bạn có thể làm việc trong khuôn viên trường (Tối đa 20 giờ/tuần & toàn thời gian trong thời gian nghỉ hè & nghỉ lễ hợp lệ) mà không cần xin phép thêm, nhưng nếu bạn muốn làm việc ngoài trường, bạn cần xin phép từ USCIS (Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ) & Cố vấn quản lý du học sinh (Designated School Official – DSO). Visa J-1 cũng có các quy định riêng về việc làm, tùy thuộc vào chương trình trao đổi mà bạn tham gia.

Du lịch bên ngoài nước Mỹ trong thời gian học tập

Nếu bạn có kế hoạch du lịch ra ngoài Mỹ trong thời gian học tập, hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết để quay trở lại. Bạn cần có mẫu I-20 hoặc DS-2019 được ký bởi Cố vấn quản lý du học sinh (Designated School Official – DSO) và đảm bảo rằng visa của bạn vẫn còn hiệu lực. Nếu visa của bạn hết hạn trong thời gian bạn ở nước ngoài, bạn sẽ cần xin visa mới trước khi trở lại Mỹ.

Gia hạn visa du học

Nếu bạn cần thêm thời gian để hoàn thành chương trình học, bạn có thể xin gia hạn visa hiện hữu của mình. Để làm điều này, bạn cần liên hệ với trường và điền vào mẫu đơn xin gia hạn.

Điều quan trọng là bạn phải bắt đầu quá trình gia hạn thị thực trước khi Mẫu I-20 (F-1) hoặc DS-2019 (M-1) hiện tại của bạn hết hạn. Để chính thức nộp đơn xin gia hạn, hãy nộp Mẫu I-539, được gọi là Đơn xin gia hạn/thay đổi tình trạng không định cư, cho Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS). Cùng với mẫu này, hãy bao gồm tất cả các tài liệu hỗ trợ bắt buộc theo hướng dẫn của USCIS.

Thay đổi diện visa

Trong một số trường hợp, bạn sẽ cần thay đổi diện visa của mình. Ví dụ, nếu bạn muốn chuyển từ visa F-1 sang visa H-1B để làm việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ cần thực hiện thay đổi tình trạng (Adjustment of Status) , nộp hồ sơ xin visa mới và đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Quá trình này có thể phức tạp, vì vậy hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia di trú nếu cần.

Cơ hội sau khi tốt nghiệp?

Nếu bạn muốn làm việc hay thậm chí là định cư Mỹ sau tốt nghiệp, bạn nên lên kế hoạch trước và cân nhắc những lựa chọn của mình

Thực tập thực tế tùy chọn (Optional Practical Training – OPT)

Một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp là chương trình Thực tập thực tế tùy chọn (OPT). OPT cho phép bạn làm việc tại Mỹ trong tối đa 12 tháng sau khi hoàn thành chương trình học của mình. Nếu bạn đã hoàn thành một chương trình STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), bạn có thể đủ điều kiện để gia hạn OPT thêm 24 tháng nữa. Điều này không chỉ giúp bạn có kinh nghiệm làm việc quý báu mà còn tạo cơ hội để tìm kiếm việc làm lâu dài tại Mỹ.

Chương trình OPT thường chỉ được áp dụng với sinh viên sở hữu visa F1

Visa H1B dành cho lao động có tay nghề

Visa H-1B là một loại visa không định cư cho phép các công ty Mỹ thuê lao động nước ngoài có kỹ năng trong các lĩnh vực chuyên môn. Nếu bạn tìm được một công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp, nhà tuyển dụng của bạn có thể nộp đơn xin visa H-1B cho bạn. Visa này có thời hạn tối đa 6 năm và sau đó bạn có thể xin thẻ xanh để trở thành thường trú nhân ở Mỹ

Xin thẻ xanh sau khi tốt nghiệp?

Nếu bạn muốn ở lại Mỹ lâu dài, có nhiều lựa chọn để xin thường trú. Một trong những cách phổ biến nhất là thông qua chương trình bảo lãnh gia đình hoặc bảo lãnh việc làm (Ví dụ như Visa EB3). Nếu bạn có người thân là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân, họ có thể bảo lãnh bạn. Hoặc nếu bạn có một công việc ổn định và nhà tuyển dụng sẵn lòng bảo lãnh bạn, bạn có thể đủ điều kiện xin thẻ xanh thông qua visa H-1B.

Tuy nhiên việc chuyển đổi trạng thái từ visa du học sang thẻ xanh sẽ phức tạp và đòi hỏi nhiều điều kiện pháp lý khác nhau, bạn nên nhờ sự trợ giúp của luật sư hoặc một công ty tư vấn di trú uy tín để đảm bảo quá trình này tuân thủ đúng luật di trú Mỹ

Các câu hỏi thường gặp

Ai cấp học bổng tại Mỹ ?
Mỗi trường đại học sẽ có nhiều suất học bổng khác nhau dành cho sinh viên quốc tế có thành tích xuất sắc. Bạn có thể lên website của trường để tìm hiểu về điều kiện nhận học bổng
Điều kiện nộp đơn tại các trường đại học ở Mỹ?
Mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau, tuy nhiên các điều kiện chung phổ biến là học bạ, điểm trung bình cấp 3, chứng chỉ IELTS, chứng minh tài chính, yêu cầu người bảo lãnh v.v...
Cách thích nghi với môi trường giáo dục ở Mỹ?
Tôn trọng sự khác biệt văn hóa, tham gia các hoạt động của trường, tìm kiếm sự hỗ trợ học tập và kết nối với bạn bè là những cách để giúp bạn hòa nhập dễ dàng hơn
Cần làm gì khi gặp khó khăn trong quá trình học tập ở Mỹ?
Nếu bạn gặp phải khó khăn về học tập, vấn đề thị thực hoặc vấn đề cá nhân, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn và hỗ trợ từ văn phòng sinh viên quốc tế, cố vấn du học sinh (Designated School Official - DSO), những người luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên quốc tế.
Sinh viên Việt Nam có thể làm thêm trong quá trình học không?
Có thể ! Nếu bạn sở hữu thị thực F1, bạn có thể làm việc tại trường tối đa 20 giờ một tuần trong học kỳ và toàn thời gian trong thời gian nghỉ hè hay nghỉ lễ. Nếu bạn làm công việc khác ngoài trường, cần lên văn phòng cố vấn du học sinh để được tư vấn & xin giấy phép làm việc hợp lệ

Bình luận

Về chúng tôi

MK IMMGIRATION là một trong những dịch vụ tư vấn định cư tốt nhất thị trường hiện nay

Dịch vụ của MK IMMIGRATION tập trung vào tính chuyên nghiệp, tận tâm và tối ưu cho từng hồ sơ di trú

Create your account

Select the fields to be shown. Others will be hidden. Drag and drop to rearrange the order.
  • Image
  • SKU
  • Rating
  • Price
  • Stock
  • Availability
  • Add to cart
  • Description
  • Content
  • Weight
  • Dimensions
  • Additional information
Click outside to hide the comparison bar
Compare
Call Now Button